TP Hải Dương

Linh thiêng đền Sượt ở Hải Dương

Hải Dương thuộc vùng châu thổ sông Hồng, nơi có những lợi thế lớn trong thực hành văn hóa và lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, trong đó có lễ hội Đền Sượt.

KHOẢNG CÁCH

Trung tâm TP Hải Dương

THỜI GIAN

5 phút

ĐỘ CAO

ĐỘ KHÓ

Giới thiệu Đền – Đình Sượt

Đền Sượt – Đình Sượt -Hải Dương glàng Thanh Cương có tên Nôm là làng Sượt. Trước năm 1945 thuộc tổng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nay thuộc phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương. Cho đến nay, làng Sượt đang còn cụm di tích: Đền Sượt có tên chữ là Thanh Cương linh từ, đình Sượt và chùa Sượt. Đền Sượt và đình Sượt thờ Đức thánh Vũ Hữu có công phò vua Lê Chiêu Tông dẹp giặc Ai Lao giữ yên bờ cõi đất nước ở thế kỷ thứ XV.

Theo Thần tích thờ tại Thanh Cương linh từ, do Đông các Hàn Lâm đại học sĩ thần Nguyễn Bính biện soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), tóm tắt như sau:

Thanh Cương linh từ còn được biết với cái tên khác là Quang liệt miếu, tên nôm là đền Sượt, thuộc địa phận làng Thanh Cương, phường Thanh Bình, tp Hải Dương, là nơi thờ Vũ Hựu, một vị danh tướng dưới thời Lê sơ, quê của ông là làng Thanh Cương. Khi qua đời vào ngày 16 tháng 11 năm Tân Tỵ-1521, ông đã được người dân nơi đây tôn là Thượng đẳng phúc thần, Hiển Hựu đại vương, Minh quốc linh ứng, và tôn là Thành hoàng làng. Đền Sượt mang dấu ấn kiến trúc của thế kỷ 19. Di tích này đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992.

Đền Sượt vào thời Lê, niên hiệu Hồng Đức, ở làng Long Thịnh, huyện Thọ Xương, phủ Thanh Đô, Ái Châu có người họ Vũ, tên Đạo lấy vợ là Phạm Thị Hoà, người làng Thanh Cương, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, quận Hải Dương. Ông bà ở quê nội Thọ Xương – Thanh Hoá làm nghề thuốc, sinh sống đức độ, nhân hậu, song hiềm nỗi tuổi đã cao mà vẫn chậm đường con cái. Một hôm ông bà lập đàn cầu trời đất và bách thần, quả nhiên ứng nghiệm.

Bà thụ thai. Sau 14 tháng, Thái Bà theo cha là Phạm Công về ở quê ngoại làng Thanh Cương. Sáng ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Thìn, khi về đến đầu làng, bên giếng đất, Thái Bà sinh một con trai, mặt mũi khôi ngô, hàm én, mắt phượng, mày ngài, tướng mạo khác thường. Khi bà sinh, mây kéo về phủ kín bầu trời. Nơi bà sinh hàng đàn chim chóc bay về hội tụ. Dân làng Thanh Cương khi đó đang mắc bệnh dịch đều khỏi. Thấy có chuyện lạ, dân làng Thanh Cương lập miếu thờ lộ thiên tại nơi bà sinh và xin với Thái Bà và công tử làm tôi con.

Sau vài tháng, Vũ Công ra Thanh Cương đón Thái Bà và Công tử về Thanh Hoá, đặt tên cho công tử là Vũ Hựu. Năm 7 tuổi, tuy chưa học nhưng Vũ Hựu đã ứng khẩu thông minh lạ lùng, được gọi là thần đồng. Năm 11 tuổi cha mẹ đều mất, Vũ Hựu đến ở với ông ngoại. Năm 12 tuổi ông được ông ngoại cho theo học Lỗ tiên sinh. Được 3 năm thì kinh sử đều thông, văn chương cảm tú, võ nghệ như thần. Năm 16 tuổi, Người theo ông ngoại về quê mẹ. Dân làng Thanh Cương thấy Ông tài giỏi đã mời Ông làm hương sư dạy trẻ trong làng.

Kiến trúc Đền – Đình Sượt – Hải Dương

Đền Sượt được xây dựng từ sau khi Vũ Hựu qua đời (vào ngày 16 /11 năm 1521). Công trình hiện còn mang dấu ấn kiến trúc TK XIX.

Đền Sượt xây dựng từ thế kỷ 15-16 và đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào thời Nguyễn. Đền quay mặt về hướng Tây, gồm tòa bái đường, trung từ và hậu cung. Đền Sượt được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 68/QĐ-BVHTT ngày 29/1/1992.

Đền Sượt theo lối kiến trúc kiểu chữ công, Quay mặt về hướng tây. Đền gồm tòa bái đường, ống muống và hậu cung. Cổng tam quan, trên trước bảng có 3 chữ đại tự “Quang Liệt miếu”, mặt sau có 4 chữ “Thanh Cương Linh từ“.

Tiền Đường gồm 5 gian theo lối kiến trúc chồng rường đấu sen, thượng tam hạ tứ”. Trên tất cả các vì đều có chạm khắc các họa tiết gần gũi với đời thường. Chính giữa bái đường có một nhang án lớn bày các đồ tế tự, trên có treo bức đại tự Thượng đẳng phúc thần do vua phong cho ngày trước.

Ba gian hậu cung kiến trúc kiểu con chồng đấu sen nhưng đơn giản. Một nhang án lớn có nhiều tầng để bày lễ vật. Trong cung có khám lớn, bày bài vị của đại vương.Đền Sượt hiện còn một di vật từ thời Vũ Hựu là đôi nghê đá dựng trước cửa đền.

Lễ hội đền Sượt

Đền Sượt tổ chức các hoạt động lễ hội diễn gia như sau:

  • Từ ngày mồng 1 tháng 3 đến mồng 7 tháng 3: Ban khánh tiết đền sẽ tổ chức rửa đồ thờ tự và tập hợp dân làng để họp bàn tổ chức lễ hội.
  • Ngày mồng 9 tháng 3: Tiễn hành lễ Mộc dục, đón nhân dân quanh vùng và khách thập phương về dâng hương.
  • Tối ngày mồng 9 tháng 3: Ban khánh tiết sửa soạn đồ lễ gồm xôi, gà, trầu cau, rượu trắng, vàng hương để cử hành lễ cáo yết tại đền.
  • Ngày mồng 10 tháng 3: Buổi sáng ban khánh tiết sẽ sắm lễ xôi gà, trầu cau, rượu trắng, hương hoa để dâng lên Đức Thánh tại đền. Từ năm 1999 đến ngày nay, dân làng Thanh Cường đều tổ chức rước kiệu từ đền đi qua khu lăng mộ Đức Thánh tới đình rồi về đền.

Thứ tự trong đoàn rước: Dẫn đầu là đội múa lân , đội cờ hội, đội bát biểu, đội kiệu long đình (gồm tám người khênh kiệu là những thanh niên chưa vợ). Nhạc rước có chiêng, tù và bát âm. Sau kiệu sẽ là đoàn người đội mâm lễ vật của nhân dân trong làng. Sau khi đoàn rước này tập trung về sân đền, kiệu rước sẽ được đưa vào hậu cung, trưởng ban khánh tiết dâng hương.

Lễ dâng hương: Ông trưởng ban di tích sẽ đứng lên đọc bài diễn văn ca ngợi công đức của Đức Thánh, nêu lên trách nhiệm của Ban quản lý đền, tất cả các công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ di tích. Sau ông trưởng ban đọc bản diễn văn xong, các hộ gia đình ở thôn Thanh Cương cùng khách thập phương sẽ tự do vào dâng lễ.

Hiện tại, thôn Thanh Cương vẫn đứng ra tổ chức hội, tuần gồm 24 vị cao niên. Cụ cao nhất là 80 tuổi, người ít tuổi nhất cũng đã 50. Hội tuần có nhiệm vụ lo liệu công việc tuần tiết tại đền: Ngày sóc và ngày vọng (ngày mồng 1 và ngày 15 ) và các ngày tế lễ khác theo tục cũ từ trước đến nay mà thôn vẫn còn giữ được.

Phần hội: Hội đền Sượt không tổ chức nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như các lễ hội khác, nhưng vẫn giữ được những nét độc đáo của lễ hội truyền thống xưa với trò Chọi gà, biểu diễn chèo, cờ tướng… Năm 1999, trò đánh Bệt đã được khôi phục lại, đã được dân làng Thanh Cương nhiệt tình tham gia. Trước ngày vào hội, đinh tráng trong độ tuổi từ 18-54 tuổi đều phải sắm một cái gậy đánh bệt.

  • Gậy dành cho dân đinh dài 7 thước ta (1 thước tương đương với 40cm).
  • Gậy cho năm người tham gia tiếp đánh hổ, dài 4 thước.
  • Gậy cho các nữ đồng trinh múa biểu diễn trước hàng quân, dài 1,2 thước.

Lời kết

Khu di tích đền – đình Sượt là nơi lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hoá quý báu được các thế hệ người dân Thanh Cương trân trọng, bảo vệ và phát huy. Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nhiều năm qua di tích này được tôn tạo, tu bổ nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, sinh hoạt của người dân. Đồng thời xây dựng và mở rộng để di tích trở thành điểm du lịch văn hóa tiêu biểu của TP Hải Dương và tỉnh.

Khu di tích đã và đang trở thành một thiết chế văn hoá, nơi giáo dục cộng đồng chứa đựng trong đó những nét văn hoá vật thể và phi vật thể truyền thống đặc sắc của nền văn minh lúa nước, của đất và người tỉnh Đông xưa – Hải Dương ngày nay.

Lễ hội truyền thống Di tích đền – đình Sượt được duy trì và phục dựng các nghi lễ hoạt động đặc sắc: nấu rượu Hoàng tửu, lễ rước, lễ tế, lễ dâng hương, tế xuân, làm cỗ thượng tiến. Phần hội có các hoạt động: thi giã bánh giầy, đấu vật, bơi chải; đặc biệt là trò đánh bệt và nhiều trò chơi dân gian khác…

Lễ hội Đền Sượt từ xưa đã được coi như là một lễ hội vùng có quy mô lớn, thu hút Nhân dân từ các tỉnh thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng và các tỉnh lân cận về dự. Ngày nay, đền Sượt vẫn còn là một trung tâm tín ngưỡng hưng thịnh. Đặc biệt là những ngày đầu xuân, ngày lễ hội, ngày rằm mùng 1 đã thu hút đông đảo Nhân dân đến sinh hoạt tín ngưỡng.

Lễ hội đền – đình Sượt được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và điểm du lịch sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, hướng tới xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch của tỉnh Hải Dương./.

Review

Linh thiêng đền Sượt ở Hải Dương

4/5
  • Rated 5 out of 5
    5
  • Rated 5 out of 5
    5
  • Rated 5 out of 5
    5
  • Rated 5 out of 5
    5

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You might also like